Ngày 14/11, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia đã dẫn đầu Đoàn công tác của Ủy ban đi khảo sát thực tế những vị trí điểm đen, nơi nguy cơ mất an toàn giao thông, hạ tầng giao thông trên địa bàn Đồng Nai.

hoang.jpg
Đoàn công tác của Ủy ban ATGT Quốc gia đi kiểm tra thực tế một số “điểm đen” tai nạn giao thông ở Đồng Nai. Ảnh: H.A

Đoàn công tác đã khảo sát thực tế tại một số điểm như: Ngã tư Vũng Tàu, vòng xoay cổng 11, đường Võ Nguyên Giáp giao với lộ quốc lộ 51 và nút giao cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây với quốc lộ 56.

Báo cáo với đoàn công tác, Ban ATGT tỉnh Đồng Nai cho biết, trong 10 tháng năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 309 vụ tai nạn, làm 260 người chết và 147 người bị thương (tăng 130 vụ so với năm 2022). Nguyên nhân chủ yếu là do ý thức chủ quan của người tham gia giao thông.

hoang 1.jpg
Đường Võ Nguyên Giáp giao với lộ quốc lộ 51 có rất nhiều phương tiện lưu thông qua đây mỗi ngày. Ảnh: H.A

Ngoài ra, Ban ATGT tỉnh Đồng Nai cũng đề xuất xử lý, khắc phục các tồn tại về hạ tầng nhằm góp phần đảm bảo an toàn giao thông trên những tuyến quốc lộ, hoàn chỉnh nút giao ngã tư Vũng Tàu, lắp đặt dải phân cách trên quốc lộ 1, 20 và sớm tháo dỡ trạm thu phí cầu Đồng Nai, quốc lộ 51.

“Về việc lắp camera giao thông, Công an tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh Đồng Nai có chủ trương đầu tư 745 tỷ đồng, trong đó lắp camera giám sát và xử lý vi phạm giao thông. Tuy nhiên, việc này phải chờ HĐND tỉnh thông qua”, Đại tá Trần Anh Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó trưởng Ban ATGT tỉnh Đồng Nai chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cũng nêu, nhiều kiến nghị của tỉnh lên các cấp trên vẫn chưa được giải quyết do liên quan đến kinh phí. Do đó, cần có biện pháp giải quyết dứt điểm những kiến nghị để góp phần đảm bảo an toàn giao thông trong thời gian tới.

Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, Đồng Nai là địa phương có lượng phương tiện di chuyển quá lớn nên nguy cơ dẫn tới tai nạn giao thông ở mức cao. Để đảm bảo an toàn giao thông, cần có phương án tổ chức giao thông tại các vị trí nút giao phức tạp.

“Phải nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các trường, giáo viên chủ nhiệm trong việc đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh. Chủ các khu công nghiệp cũng phải nghiên cứu, lập kế hoạch an toàn giao thông cho khu công nghiệp; chủ doanh nghiệp phải có kế hoạch an toàn giao thông cho các doanh nghiệp”, ông Hùng nói.

Ngoài ra, ông Hùng cũng đề xuất, Đồng Nai cần xây dựng mô hình dự báo phân tích giao thông trên toàn tỉnh, từ đó đề ra giải pháp chống ùn tắc và nghiên cứu mạng lưới giao thông phù hợp.